CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ TOÁN GIẢI TÍCH

Video giới thiệu tóm tắt chương trình

Giải tích là một hướng có truyền thống của Khoa Toán-Tin học. Từ những năm 1960 các lĩnh vực toán học liên quan tới Giải tích toán học đã có những cán bộ ban đầu như GS. Đặng Đình Áng, GS. Nguyễn Đình Ngọc, GS. Nguyễn Cang, PGS. Trần Thị Lệ, … Các cán bộ lâu năm của Bộ môn như PGS. Võ Đăng Thảo, TS. Nguyễn Công Tâm nay đã nghỉ hưu. Một số cán bộ trước đây của Bộ môn Giải tích như GS. Đặng Đức Trọng, PGS. Nguyễn Hội Nghĩa, PGS. Đinh Ngọc Thanh, PGS. Phạm Hoàng Quân, TS. Lê Bá Khánh Trình, … nay đang làm việc ở các đơn vị khác. Từ những năm 2010, một số tiến sĩ trẻ như TS. Trần Vũ Khanh, TS. Nguyễn Minh Quân, … đã về công tác ở Bộ môn một thời gian trước khi chuyển đi nơi khác.

Mục tiêu đào tạo

  • Đào tạo ở trình độ cao hơn ở bậc cử nhân về toán học, đặc biệt là Giải tích toán học.
  • Chương trình Cao học Toán Giải tích nhằm đào tạo và nâng cao năng lực cho những người muốn làm những việc sau:
    • Làm giảng dạy, nghiên cứu ở các trường trung học, cao đẳng, đại học, trung tâm khoa học kỹ thuật.
    • Làm việc trong các ngành khoa học, các ngành kỹ thuật, kinh tế, hoạch định chính sách, … cần năng lực phân tích, xử lí những vấn đề phức tạp cao, có thể sử dụng các phương pháp toán học.
    • Những người này sẽ được chuẩn bị tốt cả về kiến thức lẫn tinh thần, phong cách làm việc. Một số người có thể tiếp tục học tập cao hơn.
  • Chương trình hướng tới chất lượng, tiên tiến, phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Thế mạnh của chương trình

  • Ngành Toán Giải tích do Bộ môn Giải tích phụ trách. Bộ môn Giải tích có truyền thống đào tạo và nghiên cứu từ thập niên 1960, đặc biệt trong một số lĩnh vực chính trong Giải tích toán học như Phương trình đạo hàm riêng, Giải tích phi tuyến. Là một đơn vị chính đảm nhận “toán lý thuyết” hay “toán thuần túy” ở Khoa Toán – Tin học, Bộ môn không chỉ hoạt động trong lĩnh vực giải tích hiểu theo nghĩa hẹp mà còn tham gia vào các lĩnh vực toán liên quan như tối ưu, thống kê, hình học. Bộ môn đồng thời đóng góp vào toán ứng dụng trong các lĩnh vực như bài toán ngược, bài toán không chỉnh, phương trình toán lý, cơ học, giải tích số, phương pháp số, khoa học tính toán, khoa học dữ liệu, toán tài chính, giáo dục toán học, … Một số nghiên cứu của cán bộ Bộ môn đã đạt trình độ khoa học quốc tế.

  • Qua hơn 25 khóa cao học, chương trình Toán Giải tích đã đào tạo hàng trăm Thạc sĩ. Mỗi năm ngành Toán Giải tích chọn tuyển khoảng 10 tới 15 học viên cao học. Chương trình cao học chính thức kéo dài 2 năm, những sinh viên có nhu cầu có thể kéo dài thời gian. Học viên cần viết một luận văn trong thời gian nửa năm cuối của chương trình.

  • Chương trình nhấn mạnh định hướng đào tạo để người tốt nghiệp có khả năng giảng dạy ở các trường cao đẳng đại học.

  • Chương trình có các học phần giúp người học có hiểu biết nhiều hơn và sâu hơn về các nội dung toán thường được giảng dạy ở các trường cao đẳng đại học như Giải tích, Đại số tuyến tính, Thống kê, Phương pháp tính, cùng với học phần về Phương pháp giảng dạy.

  • Chương trình cung cấp cho người học nền tảng vững vàng về Giải tích và Giải tích số để người học có thể tiếp tục nghiên cứu và học nghiên cứu sinh.

  • Chương trình giúp người học có khả năng làm việc ở các đơn vị nghiên cứu và triển khai ứng dụng.

  • Chương trình chứa một phần lớn học phần về tính toán số và tạo điều kiện cho học viên chọn học các học phần liên quan từ các chuyên ngành khác, giúp xây dựng khả năng làm ứng dụng.

    Tháng 4/2021 Bộ giáo dục và đào tạo ban hành Thông tư cho phép bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học, mở ra cơ hội cho người tốt nghiệp tham gia giảng dạy toán trung học.

Lợi ích của học viên khi tham gia chương trình đào tạo

Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được trang bị các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nâng cao và có các khả năng sau:

  • Kiến thức chung: Có hiểu biết mở rộng, nâng cao trong toán học, đặc biệt là Giải tích toán học.
  • Kiến thức chuyên môn: Có hiểu biết chi tiết trong một số chuyên ngành quan trọng
    và tiếp xúc với một số chuyên ngành khác của Giải tích toán học. Đạt trình độ hiểu
    biết đương thời trong một đề tài toán học.
  • Kỹ năng mềm: Hình thành và rèn luyện các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, hợp tác,
    trình bày và công bố khoa học, sử dụng công cụ máy tính.
  • Kỹ năng ngoại ngữ: Theo quy chế đào tạo trình độ Thạc sĩ do ĐHQG-HCM ban hành.
  • Thái độ xã hội: Có tư duy và phong cách khoa học, yêu cầu tính chính xác cao trong
    lập luận và nhận định.

Các vị trí công tác có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp:

Người học sau khi tốt nghiệp có năng lực đáp ứng những nhu cầu của xã hội:

  • Giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, trung học, các trung tâm văn hóa.
  • Làm nghiên cứu ở các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, các đơn vị nghiên cứu của của các doanh nghiệp lớn.
  • Làm những việc cần năng lực phân tích xử lí những vấn đề phức tạp mà ở đó các phương pháp toán học có hiệu quả, như trong các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế, hoạch định chính sách, …
  • Có khả năng tự trao dồi nâng cao trình độ, có khả năng tự học tập, nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn công việc, tiếp tục học tập và nghiên cứu ở trình độ cao hơn.

Các ngành nghề phổ biến của người tốt nghiệp gồm:

  • Giảng dạy, nghiên cứu, triển khai ứng dụng ở các trường đại học cao đẳng, các trung tâm khoa học kỹ thuật.
  • Giảng dạy ở các trường trung học, các trung tâm đào tạo.
  • Làm việc ở các công ty công nghệ, tài chính, bảo hiểm, các cơ sở công nghiệp, các cơ quan quản lí.

Một số công ty công nghệ, tài chính đang thông báo tuyển người hiểu biết Giải tích (phương trình đạo hàm riêng, giải tích số, mô hình toán, …) cùng các ngành khác (tin học, lập trình máy tính, thống kê, tài chính, cơ học,…).

Các cựu học viên của ngành Giải tích đã và đang học tập và làm việc ở nhiều nơi trong nước và nước ngoài. Nhiều người sau khi tốt nghiệp đã học tiếp ở bậc tiến sĩ.

Học viên hướng tới vị trí giảng dạy đại học nên chuẩn bị thêm:

  • Chứng chỉ tiếng Anh
  • Chứng chỉ tin học cơ bản
  • Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giảng dạy đại học (Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ĐHQG-HCM có mở)

Học viên hướng tới vị trí giảng dạy trung học nếu không tốt nghiệp đại học ngành sư phạm toán thì nên chuẩn bị thêm chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giảng dạy trung học.

Lượng cựu học viên đông đảo, quan hệ rộng rãi của cán bộ Bộ môn, chất lượng và uy tín lâu dài của chương trình góp phần hỗ trợ người tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp

Danh sách việc làm của một số người đã tốt nghiệp: xem tại đây

 

  • Sơ nét về chương trình đào tạo

Cấu trúc chương trình đào tạo bao gồm:

  • Kiến thức chung
    • Triết học
    • Ngoại ngữ
  • Kiến thức cơ sở và chuyên ngành
  • Luận văn tốt nghiệp

Chương trình đào tạo theo phương thức làm luận văn (phương thức 2). Chương trình hướng tới một số đặc điểm:

  • Thời gian học rút ngắn: học viên có thể đạt phần lớn số tín chỉ cần thiết trong vòng 1 tới 1,5 năm học.
  • Cường độ học tập cao và chính qui: khuyến khích học viên học toàn thời gian ít nhất là trong năm đầu, đa số các học phần học vào ban ngày vào các ngày làm việc.
  • Danh sách các môn học linh động, cởi mở, có tính đa ngành.
  • Số tín chỉ bắt buộc thấp (4 môn học, 16 tín chỉ), số còn lại (tối thiểu 7 môn học, 28 tín chỉ) học viên có sự chọn lựa phù hợp với nguyện vọng của mình.
  • Tạo điều kiện cho học viên học các học phần của các ngành cao học khác của Khoa Toán – Tin học, phù hợp với những hướng đa ngành: cho phép học tới 3 học phần, 12 tín chỉ ngoài ngành.
  • Khuyến khích học viên bắt đầu làm luận văn sớm và không kéo dài thời gian làm luận văn, thực hiện luận văn trong vòng 1 năm
  • Cán bộ hướng dẫn không nhất thiết là cán bộ cơ hữu của Bộ môn hay Khoa

Thông tin tuyển sinh cao học

  • Tên chuyên ngành: Toán giải tích
  • Mã ngành: 8460102.

Đối tượng người học:

  • Tất cả những người tốt nghiệp đại học ngành toán (Toán học, Sư phạm Toán, Toán ứng dụng, Toán tin, Toán thống kê, …). Người tốt nghiệp đại học ngành khác toán được xét từng trường hợp một, có thể được yêu cầu học một số học phần bổ sung

Thời gian thi tuyển (hằng năm): tháng 5 và tháng 10

Thời gian nộp hồ sơ (hằng năm): tháng 3 và tháng 8

Chỉ tiêu tuyển sinh (hằng năm): dự kiến 25 học viên.

Các môn thi tuyển

  • Môn cơ bản: Toán cơ bản
  • Môn cơ sở: Giải tích cơ sở
  • Ngoại ngữ (theo chương trình thi tuyển của Trường ĐHKHTN)

Địa điểm đào tạo: Cơ sở Nguyễn Văn Cừ

Thời gian đào tạo: 1 – 2 năm

Xem chi tiết tại Thông báo tuyển sinh trình độ Thạc sĩ năm 2022 – đợt 2

Tham khảo: