CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ HÓA LÝ THUYẾT VÀ HÓA LÝ

Video giới thiệu tóm tắt chương trình

Giới thiệu

Bộ môn Hóa Lý tiền thân là Ban Hoá Lý Hữu cơ, thành lập từ năm 1967, sau giải phóng đến nay là Bộ Môn Hoá Lý.

Bộ môn có năm hướng chuyên ngành: Điện Hoá và Năng Lượng Tái Tạo, Hóa Học Nano, Hóa Xúc Tác, Hoá Lý Hữu Cơ và Hoá Lý Thuyết. Bộ môn có tổng số 14 cán bộ tham gia công tác đào tạo đại học, sau đại học trong đó 04 phó giáo sư, 03 tiến sĩ. Ngoài ra, bộ môn còn có 04 phó giáo sư và 03 tiến sĩ thỉnh giảng tham gia giảng dạy.

Bộ môn Hóa Lý có 10 phòng thí nghiệm và văn phòng với tổng diện tích khoảng 1.800 m2. Năm 2008 – 2012, Bộ môn đã được đầu tư dự án phòng Thí Nghiệm trọng điểm Đại Học Quốc Gia (Phòng TN Hóa Lý Ứng dụng – APClab) với kinh phí đầu tư là 22 tỷ đồng. Phòng TN này là nơi thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm của cán bộ giảng dạy của Bộ môn.

Bộ môn Hóa Lý phát triển NCKH vừa rộng và sâu, vừa chú trọng NCCB đồng thời cũng liên kết với các cơ sở sản xuất để định hướng ứng dụng. Các hướng nghiên cứu chính tại bộ môn hiện nay:

  • Hóa lý thuyết: Thiết kế phân tử có dược tính và vật liệu mới; nghiên cứu cơ chế động học của phản ứng; tính toán phân tích phổ học.
  • Điện hóa & năng lượng tái tạo: Nguồn điện hóa học (pin sạc lithi ion, pin nhiên liệu, pin sơ cấp, siêu tụ điện); Quang điện hóa (pin mặt trời, quang điện hóa xúc tác); điện hấp phụ (thiết bị điện dung khử ion cho lọc nước mặn và xử lý nước ô nhiễm kim loại nặng); tổng hợp điện hóa; ăn mòn kim loại.
  • Hóa xúc tác: Xúc tác nano; xúc tác trong công nghiệp hóa dầu, xúc tác hydro hóa trong chuyển hóa năng lượng; chất ổn định UV trong mỹ phẩm và công nghiệp.
  • Hóa lý hữu cơ: Biomas; vật liệu khung hữu cơ – kim loại (MOF); ly trích các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học.
  • Hóa học nano: Tổng hợp vật liệu nano kim loại, oxit kim loại (Pt, Au, Ag, Cu, TiO2, Cu2.); nano hữu cơ (chitosan; carbon, nghệ…).

Hầu hết các hướng nghiên cứu đều nhận được tài trợ qua những đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

Bộ môn Hóa Lý chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế với các PTN, Trung tâm nghiên cứu ở các nước có khoa học công nghệ phát triển như Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, vv.

Mục tiêu đào tạo

  • Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực Hóa lý thuyết và Hóa Lý. 
  • Học viên sau khi tốt nghiệp có đủ kiến thức chuyên sâu, kỹ năng và khả năng làm việc trong lĩnh vực Hóa lý thuyết và Hóa Lý, có kỹ năng làm việc độc lập, chủ động, khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề một cách logic, sáng tạo.
  • Có thể làm việc tại các trường đại học và cao đẳng, giảng dạy tại các trường trung học phổ thông, các viện nghiên cứu, các cơ quan ban ngành liên quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước, có khả năng nghiên cứu khoa học để tiếp tục học tập và nghiên cứu ở các bậc đào tạo chuyên sâu hơn nữa ở trong và ngoài nước

Thế mạnh của chương trình

  • Nội dung chương trình được xây dựng trên cơ sở tham khảo những chương trình đào tạo thạc sĩ tiên tiến trên thế giới với phương pháp giảng dạy tích cực, dễ hiểu, kích thích sự sáng tạo.
  • Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy tận tâm, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực Hóa lý thuyết và Hóa lý, đã từng được đào tạo ở các trường đại học nước ngoài uy tín bao gồm 1 Giáo sư, 15 Phó giáo sư và hơn 24 Tiến sĩ. 
  • Phòng thí nghiệm được trang bị với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu chuyên sâu cũng như thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc tế, cấp nhà nước với nhiều công trình khoa học công bố trong và ngoài nước hàng năm.

Lợi ích của học viên khi tham gia chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ Hóa lý thuyết và Hóa Lý. giúp cho học viên nắm vững lý thuyết chuyên sâu của ngành, có trình độ cao về thực hành, có khả năng nghiên cứu, độc lập giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành. Chương trình cũng khuyến khích tìm hiểu các kiến thức chuyên môn cập nhật, thực tế để phục vụ công việc phát triển nghề nghiệp của người học.

Về Kiến thức chuyên môn, năng lực chuyên môn:

  • Học viên được cung cấp khối kiến thức nâng cao về Lý thuyết Hóa lý như: Hóa lượng tử, Hóa xúc tác, Điện Hóa học, Hóa học nano, polimer và khối kiến thức ứng dụng như các kỹ thuật điện hóa, phổ học, kỹ thuật phân tích bề mặt, cấu trúc, đặc tính hóa lý của vật liệu.
  • Học viên được tiếp cận với các hướng nghiên cứu hiện đại trên thế giới và được sử dụng các kỹ thuật hóa lý hiện đại như phần mềm mô phỏng, tính toán hóa học, kỹ thuật đo điện hóa và phần mềm phân tích dữ liệu điện hóa; được tiếp cận các kỹ thuật cao trong phân tích vật liệu như XRD, TEM, SEM, EDS, …
  • Học viên được giới thiệu tham gia các khóa trao đổi nghiên cứu ngắn hạn tại các nhóm nghiên cứu lớn trong và ngoài nước. Được đứng tên chung trong các công bố khoa học quốc tế uy tín.
  • Học viên có nhiều cơ hội nhận học bổng để tiếp tục học tiến sĩ hoặc nghiên cứu hậu tiến sĩ tại những nhóm nghiên cứu trên thế giới nhờ mối quan hệ hợp tác của các thầy cô trong bộ môn hóa lý.

Về kỹ năng:

Kỹ năng nghiên cứu:

  • Nắm vững và có các kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá các dữ liệu từ các phép đo đạc hóa lý cũng như các thông tin liên quan về hóa lý thuyết, hóa tính toán, xúc tác, điện hóa, vật liệu… để từ đó nhận diện vấn đề và đề ra cũng như thực hiện các giải pháp xử lý.
  • Có khả năng chia sẻ, trình bày các tri thức khoa học mới dựa trên tổng hợp tài liệu hay các kết quả nghiên cứu thu nhận được thuộc chuyên ngành Hóa lý thuyết và Hóa Lý hay các ngành khoa học liên quan. Có khả năng nghiên cứu phát triển và sử dụng các công nghệ một cách sáng tạo

Kỹ năng mềm

  • Có khả năng tự nghiên cứu trong lĩnh vực Hóa lý thuyết và Hóa Lý, kỹ năng thuyết trình, giao tiếp nói và văn bản khoa học phục vụ làm việc;
  • Có khả năng tự nghiên cứu, làm việc nhóm, khả năng trao đổi, tranh luận.
  • Có kỹ năng viết báo cáo, trình bày ý tưởng khoa học chuyên ngành

Mức tự chủ và trách nhiệm:

  • Có khả năng về chuyên môn và ngôn ngữ để tự nghiên cứu tài liệu và từ đó đề xuất giải pháp hay sáng kiến liên quan đến vấn đề cần giải quyết.
  • Có khả năng làm việc trong môi trường độc lập, nhóm để chia sẻ, các kiến thức chuyên ngành

Vị trí và khả năng công tác sau khi tốt nghiệp:

Thạc sĩ Hóa lý thuyết và Hóa Lý. có khả năng tham gia giải quyết các vấn đề chuyên sâu liên quan đến chuyên ngành… trong lĩnh vực công tác tại viện, trung tâm nghiên cứu, phòng kiểm định, xưởng sản xuất hay trở thành quản lý, nhà nghiên cứu chuyên sâu, giảng viên,…

Khả năng học tập và nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp:

  • Có kiến thức và kỹ năng thực hành để tiếp tục tham gia các chương trình đào tạo tiến sĩ thuộc nhóm ngành hoá học, vật liệu ở trong và ngoài nước.
  • Có khả năng tự học và thực hiện các nghiên cứu khoa học

Sơ nét về chương trình đào tạo

Cấu trúc chương trình đào tạo bao gồm:

  • Kiến thức chung
    • Triết học
    • Ngoại ngữ
  • Kiến thức cơ sở và chuyên ngành
  • Luận văn tốt nghiệp

Một số môn lý thuyết có thể bao gồm cả phần bài tập thực tế, bài tập nhóm hoặc thực nghiệm đi kèm để học viên có thể áp dụng và liên hệ với lý thuyết.

Một số môn được đánh giá cuối kỳ bằng seminar nhằm giúp học viên trang bị kỹ năng tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo.

Thông tin tuyển sinh cao học

  • Tên chuyên ngành: Hóa lý thuyết và hóa lý
  • Mã ngành: 8440119

Đối tượng người học:

  • Sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành đúng và phù hợp, bao gồm các ngành: Hóa học; Công nghệ hóa; Khoa học Vật liệu; Sư phạm Hóa; Công nghệ Thực phẩm

Thời gian thi tuyển (hằng năm): tháng 5 và tháng 10

Thời gian nộp hồ sơ (hằng năm): tháng 3 và tháng 8

Chỉ tiêu tuyển sinh (hằng năm): dự kiến 20 học viên.

Các môn thi tuyển

  • Môn cơ bản: Cơ sở Hóa học Đại cương
  • Môn cơ sở: Cơ sở lý thuyết Hóa học
  • Ngoại ngữ (theo chương trình thi tuyển của Trường ĐHKHTN)

Địa điểm đào tạo: Cơ sở Nguyễn Văn Cừ

Thời gian đào tạo: 1 – 2 năm

Xem chi tiết tại Thông báo tuyển sinh trình độ Thạc sĩ năm 2022 – đợt 2

Tham khảo: