CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ HÓA HỮU CƠ

Video giới thiệu tóm tắt chương trình

Giới thiệu

Bộ môn Hóa học hữu cơ là một trong những đơn vị tiên phong của Khoa Hóa học. Bộ môn hiện đang đào tạo chuyên ngành Hóa hữu cơ bậc đại học, sau đại học cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh trong và ngoài trường đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM. Bộ môn có đội ngũ thầy cô giảng dạy uy tín với trình độ chuyên môn sâu (1 Giáo sư, 4 Phó Giáo sư, 9 Tiến sĩ), thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Hàng năm, các nội dung nghiên cứu từ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ thực hiện tại bộ môn đã công bố được nhiều bài báo khoa học chất lượng trên các tạp chí quốc tế ISI có chỉ số trích dẫn cao, và các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín trong nước. Số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học, cũng như các công bố khoa học quốc tế của bộ môn Hóa Hữu cơ hàng năm đóng góp phần lớn vào danh mục công bố của toàn Khoa Hóa

Mục tiêu đào tạo

  • Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực hóa học hữu cơ luôn là mục tiêu hàng đầu của Bộ môn Hóa Hữu cơ.
  • Học viên sau khi tốt nghiệp chương trình cao học Hóa Hữu cơ có đầy đủ kiến thức chuyên sâu, kỹ năng và khả năng xây dựng hệ thống thực hành trong lĩnh vực hóa hữu cơ, có thể làm việc tại các trường đại học và cao đẳng, giảng dạy tại các trường trung học phổ thông, có khả năng làm việc độc lập để đảm đương nhiệm vụ ở các viện nghiên cứu, các cơ quan ban ngành liên quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước,
  • Học viên có khả năng nghiên cứu khoa học độc lập để tiếp tục học tập và nghiên cứu ở các bậc đào tạo chuyên sâu hơn nữa ở trong và ngoài nước.

Thế mạnh của bộ môn

  • Bộ môn hiện có nhiều mối liên hệ hợp tác nghiên cứu với các Giáo sư các trường đại học trên thế giới: New York (Mỹ), Roskilde (Đan Mạch), Copenhagen (Đức), Regensburg (Đức), Le Mans (Pháp), Rennes 1 (Pháp), Paris-Sud 11 (Pháp), Osaka (Nhật Bản), Toyama (Nhật Bản), Hiroshima (Nhật Bản), Kobe (Nhật Bản), Chung Nam (Hàn Quốc), Hannam (Hàn Quốc), National Central University (Đài Loan), Thanh Hoa (Đài Loan), Chulalongkorn (Thái Lan), Kebangsaan (Malaysia), …. Học viên có thể đi thực tập ngắn hạn hoặc tiếp tục học nghiên cứu sinh tiến sĩ tại các trường nước ngoài thông qua các mối quan hệ hợp tác và sự giới thiệu của thầy cô bộ môn.
  • Bộ môn có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ đào tạo sau đại học theo hướng hóa học hữu cơ.
  • Bên cạnh đó, Bộ môn Hóa Hữu cơ có đội ngũ Thầy Cô giảng dạy dày dạn kinh nghiệm, với trình độ chuyên môn cao (5 GS và PGS) sẽ giúp các bạn tiêu hóa các bài giảng một cách hiệu quả nhất.
  • Ngoài ra, Bộ môn Hóa Hữu cơ hiện có nhiều tiến sĩ trẻ (9/15 cán bộ), luôn nhiệt tình, vui vẻ, có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản ở các nền khoa học tiên tiến trên thế giới (Mỹ, Pháp, Đức, Nhật), sẽ luôn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ học viên cao học trong quá trình học tập, giúp học viên nhanh chóng hòa nhập với phòng thí nghiệm, và hoàn thành công việc học tập nghiên cứu đúng hạn.
  • Hàng năm, Thầy Cô bộ môn thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học định hướng ứng dụng các cấp, và công bố nhiều công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong và ngoài nước.

Lợi ích của học viên khi tham gia chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ hóa hữu cơ giúp cho học viên nắm vững lý thuyết chuyên sâu của ngành, có trình độ cao về thực hành, có khả năng nghiên cứu, làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, phân tích và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành hóa hữu cơ.

Về Kiến thức chuyên môn, năng lực chuyên môn:

Nội dung đào tạo chính của chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Hóa Hữu cơ bao gồm các khối kiến thức cơ bản, nâng cao và ứng dụng của Hóa Hữu cơ hiện đại. Học viên cao học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ có kiến thức chuyên môn sâu:

  • Nắm vững các kiến thức cơ bản về cơ chế phản ứng hóa hữu cơ, qua đó vận dụng để giải thích, đề xuất cơ chế và dự đoán các yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng, ứng dụng trong tổng hợp hữu cơ và sinh tổng hợp các hợp chất tự nhiên.
  • Nắm vững các kiến thức về hóa học lập thể hữu cơ nhằm tìm ra sự liên quan giữa cơ cấu lập thể và lý tính, hóa tính, độ phản ứng, và hoạt tính sinh học của các hợp chất.
  • Nắm vững các kiến thức về phản ứng hóa học sử dụng trong tổng hợp hữu cơ, các nguyên tắc đem đến sự phát triển bền vững, an toàn và kinh tế trong hóa học.
  • Nắm vững các kiến thức về cấu trúc hóa học, các phương pháp ly trích, chiết tách, cô lập, tinh chế chất, các phương pháp định tính, định lượng, sinh tổng hợp, tổng hợp trong phòng thí nghiệm, vai trò và hoạt tính sinh học của các hợp chất tự nhiên.
  • Nắm vững các kiến thức, kỹ năng thực hành và thực hiện phân tích được cấu trúc và định lượng các hợp chất hữu cơ bằng các phương pháp phân tích hóa lý: phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR), phổ hồng ngoại (IR), khối phổ (MS), phổ tử ngoại-khả kiến (UV-Vis), sắc ký khí (GC, GC-MS), sắc ký lỏng (LC, LC-MS).
  • Nắm vững các kỹ năng thực hành trong phòng thí nghiệm.
  • Nắm vững các kiến thức về phương pháp luận nghiên cứu khoa học, phương pháp giải quyết tình huống.
  • Có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc chuyên môn, văn phòng, giao tiếp, tra cứu thông tin, dịch tài liệu và các hoạt động khoa học kỹ thuật.
  • Có khả năng làm việc độc lập và tự cập nhật các kiến thức về hoá học nói chung và hoá học hữu cơ nói riêng.
  • Có khả năng làm việc theo nhóm.
  • Phẩm chất đạo đức tốt, sống và làm việc theo pháp luật, có trách nhiệm công dân.
  • Có thái độ và đạo đức đức nghề nghiệp đúng đắn, ý thức tổ chức kỷ luật lao động.
  • Có trách nhiệm cao trong công việc, có tinh thần cầu tiến, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp, có thái độ phục vụ và tác phong công nghiệp.
  • Có phương pháp làm việc khoa học, sáng tạo và có ý thức tiếp cận với các kỹ thuật, thiết bị hiện đại trong lĩnh vực hoá hữu cơ.
  • Có đủ kiến thức và kỹ năng thực hành để tiếp tục tham gia các chương trình đào tạo tiến sĩ thuộc nhóm ngành hoá học ở trong và ngoài nước

Vị trí và khả năng công tác sau khi tốt nghiệp:

Sau khi tốt nghiệp, thạc sĩ chuyên ngành Hóa Hữu cơ có khả năng:

  • Đảm nhận nhiệm vụ chuyên môn trong các cơ sở sản xuất, nhà máy, công ty.
  • Làm việc trong các phòng thí nghiệm, bộ phận R&D, bộ phận QA, bộ phận kiểm tra và phân tích chất lượng sản phẩm của các công ty, tập đoàn quốc tế về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, nhựa bao bì, hàng tiêu dùng,… Làm việc trong các bộ phận tư vấn quản lý hay chuyển giao công nghệ.
  • Nghiên cứu trong các trường, viện; giảng dạy tại các trường đại học về ngành hóa, vật liệu hữu cơ, môi trường…, hoặc giảng dạy tại các trường phổ thông.
  • Doanh nghiệp (kinh doanh hóa chất, thiết bị PTN, …).
  • Tiếp tục làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại các Trường Đại học

Cơ hội học bổng khuyến khích học tập

  • Trong quá trình học tập, học viên cao học được tạo điều kiện học tập trong môi trường chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt với chi phí thấp nhất có thể.
  • Học viên được hỗ trợ chi phí nghiên cứu (hóa chất, nguyên vật liệu, đo phổ, tài liệu, …) từ các nguồn kinh phí đề tài của Thầy Cô các nhóm nghiên cứu.
  • Được tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, các bài báo quốc tế uy tín, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xin học bổng học tiếp tiến sĩ ở các trường tiên tiến trên thế giới.
  • Với những kiến thức và kỹ năng nghiên cứu lĩnh hội được trong quá trình học tập, học viên cao học chuyên ngành Hóa Hữu cơ có nhiều cơ hội nhận được các học bổng đào tạo Tiến sĩ đến từ các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Thực tế, trong những năm gần đây, rất nhiều học viên cao học của chuyên ngành Hóa Hữu cơ sau khi tốt nghiệp thạc sĩ  đã thành công trong việc xin học bổng học tiếp tiến sĩ tại Mỹ, Canada, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, …

Sơ nét về chương trình đào tạo

Cấu trúc chương trình đào tạo bao gồm:

  • Kiến thức chung
    • Triết học
    • Ngoại ngữ
  • Kiến thức cơ sở và chuyên ngành
  • Luận văn tốt nghiệp

Một số môn lý thuyết có thể bao gồm cả phần bài tập thực tế, bài tập nhóm hoặc thực nghiệm đi kèm để học viên có thể áp dụng và liên hệ với lý thuyết.

Một số môn được đánh giá cuối kỳ bằng seminar nhằm giúp học viên trang bị kỹ năng tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo.

Thông tin tuyển sinh cao học

  • Tên chuyên ngành: Hóa hữu cơ
  • Mã ngành: 8440114

Đối tượng người học:

  • Sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành đúng và phù hợp, bao gồm các ngành: Hóa học; Công nghệ hóa học; Công nghệ thực phẩm; Sư phạm Hóa; Kỹ thuật hóa học; Hóa dược; Công nghệ kỹ thuật hóa học; Khoa học ứng dụng (Singapore).
  • Ngoài danh mục các Ngành đã nêu, nếu thí sinh có văn bằng tốt nghiệp các ngành khác (Dược học, Sinh học) thì phải nộp bản sao bảng điểm Đại học tốt nghiệp cho phòng Đào tạo Sau Đại học, để Nhà trường xét duyệt theo từng trường hợp cụ thể và phải học các môn bổ túc kiến thức sau đây:
    • Hóa học lập thể (2TC)
    • Cơ chế phản ứng hữu cơ 1 (2TC)
    • Cơ chế phản ứng hữu cơ 2 (2TC)
    • Tổng hợp hữu cơ (2TC)
    • Hợp chất thiên nhiên (2TC)

Thời gian thi tuyển (hằng năm): tháng 5 và tháng 10

Thời gian nộp hồ sơ (hằng năm): tháng 3 và tháng 8

Chỉ tiêu tuyển sinh (hằng năm): dự kiến 35 học viên.

Các môn thi tuyển

  • Môn cơ bản: Cơ sở Hóa học Đại cương
  • Môn cơ sở: Cơ sở lý thuyết Hóa học
  • Ngoại ngữ (theo chương trình thi tuyển của Trường ĐHKHTN)

Địa điểm đào tạo: Cơ sở Nguyễn Văn Cừ

Thời gian đào tạo: 1 – 2 năm

Xem chi tiết tại Thông báo tuyển sinh trình độ Thạc sĩ năm 2022 – đợt 2

Tham khảo: